Rất nhiều nhân vật như QTV, Độ Mixi… đã thành công với sự nổi tiếng vượt ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã chính thức phát hành “Sách trắng thể thao điện tử Việt Nam 2021”. Tài liệu này đã đề cập đến việc thể thao điện tử trở thành một nền kinh tế số trong thời đại mới.
Theo VIRESA, thể thao điện tử (eSport) đã du nhập và phát triển tại Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây. Nếu như những ngày đầu tiên đây chỉ có thể coi là phong trào tự phát và mang tính cộng đồng tự hoạt động thì tới nay thể thao điện tử Việt Nam đã bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa. Hệ sinh thái thể thao điện tử Việt Nam được cấu thành bởi nhiều đơn vị hoạt động trong nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Tất cả đều mang tính tương hỗ và góp phần thúc đẩy, tạo nên nền kinh tế thể thao điện tử tại Việt Nam.
Hệ sinh thái thể thao điện tử tại Việt Nam
Minh chứng cho sự phát triển của eSport Việt Nam là sự xuất hiện của các đơn vị doanh nghiệp như nhà phát hành trò chơi, nhà tài trợ, đội tuyển chuyên nghiệp và đơn vị tổ chức giải đấu. Bên cạnh đó, thể thao điện tử Việt Nam hiện nay cũng có sự đầu tư chuyên nghiệp đến từ các tổ chức cũng như cơ quan nhà nước. Nhờ vậy, các sự kiện thể thao điện tử lớn đã xuất hiện với quy mô và thành tích ngày càng tăng. Giống như các ngành kinh tế khác, doanh thu của toàn ngành thể thao điện tử tại Việt Nam đến từ nhiều yếu tố khác nhau:
- Thiết bị công nghệ như PC, smartphone.
- Người chơi trả phí cho các trò chơi.
- Doanh thu chia sẻ từ các dịch vụ trung gian thanh toán.
- Doanh thu từ nhà tài trợ.
- Doanh thu từ việc bán vé sự kiện và merchandise.
Cơ hội việc làm trong ngành eSports tại Việt Nam
eSport vốn là ngành chưa có trường lớp đào tạo chính thống tại Việt Nam. Vì vậy, nguồn nhân lực dành cho eSport tại Việt Nam chưa thực sự có trình độ đúng chuyên môn cũng như đang thiếu hụt nguồn cung.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng cùng nhu cầu nhân sự đa dạng, thể thao điện tử đang là một trong những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao, đặc biệt là các nguồn nhân sự trẻ, năng động và được tiếp xúc thường xuyên với những công nghệ 4.0.
Game thủ eSport đã trở thành một nghề.
Các công việc trong lĩnh vực cũng có sự tương quan mật thiết nên khả năng xoay chuyển công việc trong ngành eSport cũng là một lợi thế. Điển hình, các tuyển thủ eSport sau khi giải nghệ sẽ có thể tận dụng kỹ năng chuyên môn và chuyển hướng công việc trở thành huấn luyện viên, hay thậm chí là streamer, bình luận viên. Rất nhiều nhân vật như QTV, Độ Mixi… đều là những người đang thành công với sự nổi tiếng vượt ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Vũ Quốc Hoàn - Giám đốc và nhà sáng lập studio 500Bros, hệ sinh thái eSport tuy có nhiều mảng nhỏ lẻ nhưng mối tương quan giữa các mảng lại rất chặt chẽ và có tính bền vững cao. Giống như thể thao truyền thống, khi có hiểu biết về bộ môn đó, một người có thể luân chuyển giữa các công việc khác nhau.
"Ví dụ một tuyển thủ chuyên nghiệp có thể chơi eSport từ những năm 18 tuổi cho đến khoảng 30 tuổi, sau khi giải nghệ các tuyển thủ vẫn có thể tận dụng những hiểu biết cũng như kinh nghiệm của mình để chọn một hướng đi khác. Các công việc như huấn luyện viên, bình luận viên eSport hay thậm chí trở thành streamer/creator là hoàn toàn khả thi nhờ kinh nghiệm cũng như sức ảnh hưởng nhất định của bạn tuyển thủ”, ông Hoàn chia sẻ.
Giống như các ngành kinh tế đang tăng trưởng khác, một ngành nghề mới phát triển như eSport luôn có nhu cầu về nhân lực rất cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn trẻ có đam mê đã hoàn toàn có thể tham gia thử sức trong các hoạt động eSport ở mức độ cộng đồng, hay các giải đấu eSport dành cho sinh viên. Tuy nhiên, việc xác định con đường eSport cần rất nhiều sự nghiêm túc và cần tách biệt giữa hai khái niệm chơi và làm eSport.
>>> Loa Sonus Faber Loa Hi end Italia giá tốt nhất
0 Nhận xét